Căn cứ Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tùy thuộc vào từng nguyên nhân dẫn đến giao dịch dân sự bị vô hiệu mà thời hiệu được xác định cụ thể như sau:
– Đối với trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
– Ngoài ra, Bộ luật dân sự cũng quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 BLDS. Theo đó, thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu trong những trường hợp này là 02 năm kể từ những thời điểm sau:
+ Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
+ Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
+ Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
+ Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
+ Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
* Lưu ý: Đối với trường hợp tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 Bộ luật Dân sự 2015 hết thời hiệu 02 năm mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực.
ANSG LAW – Luật sư di chúc


