Căn cứ quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ được xác định theo thứ tự như sau:
– Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
– Trường hợp không có người giám hộ là anh, chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
– Trường hợp không có người giám hộ là anh, chị ruột, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Trình tự đăng ký giám hộ đương nhiên được thực hiện như sau
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Hộ tịch 2014 thì hồ sơ đăng ký giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên bao gồm:
– Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu;
– Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo luật định;
– Văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký giám hộ đương nhiên: UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.
Hình thức nộp hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ
– Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ, đối chiếu thông tin trong tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.
– Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn trong đó ghi rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.
– Nếu hồ sơ đăng ký hộ tịch sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối, người tiếp nhận ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
![☎](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/ta9/1.5/16/260e.png)
![✉](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/tbe/1.5/16/2709.png)
![](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t5/1.5/16/1f4cc.png)