Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình (Điều 609, Bộ luật Dân sự 2015) là một trong những quyền định đoạt tài sản được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, chế độ tài sản chung vợ chồng trong hôn nhân có nhiều vấn đề phức tạp, do đó không phải lúc nào di chúc của chồng để lại toàn bộ tài sản cho vợ cũng được đảm bảo thực hiện hoàn toàn.
Chồng chỉ có thể định đoạt tài sản riêng của mình
Khối tài sản chung trong hôn nhân thuộc quyền sở hữu chung của cả hai vợ chồng. Căn cứ quy định tại Điều 29, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng thì vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Trong đó bao gồm cả quyền định đoạt tài sản – lập di chúc định đoạt số tài sản đó. Đối với tài sản chung của vợ chồng thì việc người chồng lập di chúc để lại tài sản đó cho ai phải được sự đồng ý của người vợ chứ không thể tự quyết định một mình. Mặc dù không thể tự định đoạt tài sản chung vợ chồng nhưng một trong hai người có thể để lại di chúc với phần tài sản của mình nằm trong khối tài sản chung đó.
Trong trường hợp người chồng có tài sản riêng thì người chồng có toàn quyền định đoạt với số tài sản đó.
Về hiệu lực của di chúc
Về nguyên tắc, mỗi cá nhân đều có quyền tự do định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình. Muốn để lại di sản thừa kế cho ai hoặc cho tặng ai đều được pháp luật công nhận và bảo hộ. Tuy nhiên, không phải lúc nào di nguyện của người chết cũng được thực hiện toàn bộ.
Căn cứ quy định điều 644, Bộ Luật Dân sự 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm các trường hợp sau
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, các đối tượng như con chưa thành niên, cha, mẹ, con thành niên mà không có khả năng lao động sẽ được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Nên trong trường hợp, cha mẹ của người chồng và con cái của người chồng vẫn còn sống tại thời điểm mở thừa kế thì vẫn được cho hưởng di sản. Người vợ dù được chỉ định là người thừa kế duy nhất nhưng sẽ không được hưởng toàn bộ di sản trong trường hợp này.