Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền của bất động sản này đối với bất động sản liền cạnh bên. Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác.
Trong đó, các quyền đối với bất động sản liền kề được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm các quyền sau:
- Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề (quy định tại 252 Bộ luật Dân sự 2015);
- Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác (quy định tại 253 Bộ luật Dân sự 2015);
- Quyền về lối đi qua (quy định tại 254 Bộ luật Dân sự 2015);
- Mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác (quy định tại 255 Bộ luật Dân sự 2015).
Thông thường, việc thực hiện các quyền kể trên đối với bất động sản liền kề sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau nhằm cân bằng được quyền lợi giữa các bên. Tuy nhiên, nếu việc thỏa thuận không thành thì theo quy định của pháp luật sẽ áp dụng các nguyên tắc sau để giải quyết:
- Một là bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền;
- Hai là, không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền;
- Ba là, không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.
Các quyền đối với bất động sản liền kề kể trên sẽ chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Chiếu theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền đối với bất động sản liền kề chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền thuộc quyền sở hữu của một người;
2. Việc sử dụng, khai thác bất động sản không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền;
3. Theo thỏa thuận của các bên;
4. Trường hợp khác theo quy định của luật.
Cụ thể là, quyền đối với bất động sản liền kề chấm dứt trong các trường hợp sau:
-
Bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền thuộc sở hữu của một người. Trường hợp này, hai bất động sản liền kề thuộc quyền sở hữu của cùng một chủ thể. Do đó, chủ sở hữu có toàn quyền sử dụng, định đoạt, khai thác hai bất động sản này, không cần sự đồng ý của bất kỳ chủ thể nào khác;
-
Việc sử dụng, khai thác bất động sản không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền.Quyền đối với bất động sản liền kề phát sinh dựa trên nhu cầu sử dụng của các chủ thể. Do đó, nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không còn nhu cầu hưởng quyền từ việc sử dụng, khai thác bất động sản liền kề thì quyền này cũng chấm dứt;
-
Theo thỏa thuận của các bên. Các bên có thể thỏa thuận không đặt ra quyền đối với bất động sản liền kề nếu không cần thiết. Thỏa thuận này sẽ được pháp luật tôn trọng miễn là không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
-
Các trường hợp khác theo quy định của luật. Ngoài các trường hợp trên, quyền đối với bất động sản liền kề có thể chấm dứt theo quy định của luật. Ví dụ, trong trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng quyền đối với bất động sản liền kề gây ra các thiệt hại cho bên còn lại thì quyền này có thể bị chấm dứt.
Xem thêm
Quy trình đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề được quy định như thế nào?
Căn cứ xác lập sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành