Ai được quyền quản lý di sản? người quản lý có quyền bán di sản không?

Người quản lý di sản là ai?

Quy định về người quản lý di sản thừa kế tại Điều 616, Bộ Luật Dân sự 2015 thì:
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.
2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Theo đó, người quản lý di sản có thể là người được chỉ định trong di chúc hoặc người được những người thừa kế đề cử ra.

Người quản lý di sản có những nghĩa vụ gì?

Những nghĩa vụ của người quản lý di sản được quy định tại Điều 617, Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
– Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
– Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
– Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
Trong trương hợp người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
– Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
– Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

Người quản lý di sản có những quyền gì? Có được quyền bán di sản hay không?

Căn cứ quy định Điều 618, Bộ Luật Dân sự 2015 về Quyền của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Như vậy, khi quản lý di sản thì người quản lý sẽ được nhận thù lao cho công sức của mình. Còn có thể được quyền chiếm hữu, sử dụng di sản theo thỏa thuận với những người thừa kế. Tuy nhiên, người quản lý di sản không phải là chủ sở hữu của các tài sản đó nên không có quyền tự ý bán các tài sản mà mình quản lý.
Trong trường hợp được sự đồng ý bán của những người thừa kế, thì người quản lý di sản có quyền đại diện cho người thừa kế giao dịch các tài sản này với bên thứ ba.
Ví dụ: Môt người cha trước khi chết lập di chúc để lại một phần đất đai dùng vào việc thờ cúng. Và ông chỉ định người con trai trưởng sẽ là người quản lý đất thờ cúng này. Thì khi ông chết đi, phần di sản đó sẽ không được chia thừa kế mà sẽ giao cho con trai trưởng quản lý. Người con trai trưởng chỉ được quản lý chứ không có quyền sở hữu phần đất đó và không có quyền tự mình bán phần đất đó.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
☎ 089 977 99 08 hoặc Hotline 1900 7264
✉ ansglaw@gmail.com
64 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM