Quyền thừa kế là gì? Quy định của pháp luật về quyền thừa kế

Thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật về dân sự, bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác thông qua di chúc hay theo một trình tự nhất định; và các quy phạm quy định phạm vi quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người thừa kế. Căn cứ quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự 2015 quyền thừa kế bao gồm các quyền sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất; quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Ngoài ra pháp luật cũng quy định hình thức thừa kế bao gồm: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Về đối tượng của quyền thừa kế
Đối tượng của quyền thừa kế là tài sản thuộc sở hữu của người chết để lại cho người còn sống. Tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Về chủ thể của quyền thừa kế
Chủ thể của quyền thừa kế bao gồm: quyền của người để lại di sản và quyền của người nhận di sản.
– Quyền thừa kể của người để lại di sản
Mọi cá nhân đều có quyền định đoạt tài sản của mình thể hiện dưới dạng di chúc trước khi qua đời và đều bình đẳng về quyền thừa kế, do đó mọi cá nhân đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác và có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong trường hợp có di chúc hợp pháp thì việc phân chia di sản phải tuân theo mong muốn của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc, trường hợp người chết không có di chúc thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định của pháp luật về thừa kế.

– Quyền thừa kế của người nhận di sản
Mọi cá nhân đều có quyền nhận di sản trong trường hợp đảm bảo điều kiện nhận di sản theo pháp luật hoặc theo di chúc. Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản qua đời. Nếu người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp người nhận di sản theo di chúc thì căn cứ vào quyền thừa kế của họ, họ sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo đúng những điều khoản trong di chúc. Người được thừa kế theo di chúc có thể là bất kỳ ai theo ý chí của người lập di chúc. Người được thừa kế theo di chúc không được là người làm chứng cho di chúc hoặc công chứng, chứng thực di chúc.
Trường hợp người nhận di sản theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào hàng thừa kế để xác định phần di sản mà họ sẽ nhận được. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
☎ 089 977 99 08 hoặc Hotline 1900 7264
✉ ansglaw@gmail.com
64 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM