Hỏi:
Gia đình tôi có một thửa đất, là đất hương quả do bà cố để lại, có di chúc của bà với nội dung “con cháu chỉ được xây nhà để ở, không được bán”.
Hiện nay gia đình chúng tôi muốn bán thửa đất này nhưng phía chính quyền không cho bán, vì lí do đây là đất hương quả thờ cúng không được bán theo di nguyện của người quá cố. Mặc dù cả gia đình đã ký tên đồng ý bán nhưng vẫn không cho. Vậy cho tôi hỏi chính quyền làm vậy là đúng pháp luật không, chúng tôi có thể chuyển nhượng không?
—————
Trả lời:
Đất hương quả hay còn gọi là di sản dùng cho việc thờ cúng là phần tài sản do người chết để lại với di nguyện mong muốn giữ lại cho dòng họ, cho con cháu đời sau. Đất hương quả không được chỉ định cho một cá nhân nào thừa kế, mà chỉ giao cho một người đại diện để quản lý phần di sản đó.
Do không được thừa kế nên cũng đồng nghĩa phần di sản đó không thuộc sở hữu của bất kì cá nhân nào, kể cả những người được hưởng thừa kế.
Căn cứ Khoản 1, Điều 645, về Di sản dùng vào việc thờ cúng: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.”
Có thể thấy, về mặt pháp lý, di sản thờ cúng sẽ được giao cho cá nhân “quản lý” chứ không có quyền sở hữu di sản đó.
Tuy nhiên, trong thực tiễn quản quản lý và vận hành thì không có cơ chế nào để kiểm soát việc những người thừa kế có thực hiện theo đúng ý nguyện của người lập di chúc hay không. Nếu trên giấy chứng nhận quyền sở hữu có tên của những người thừa kế (đồng sở hữu) và những người này đồng ý chuyển nhượng phần đất đó thì trên thực tế vẫn có thể thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu đất cho người khác.
Việc có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cũng đồng nghĩa với việc có quyền sở hữu phần đất đó. Do đó, những người đứng tên có các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản theo quy định tại Điều 158, Bộ Luật Dân Sự 2015 về quyền sở hữu tài sản. Như vậy, việc gia đình muốn bán và đồng ý bán phần đất đó là có cơ sở pháp lý để thực hiện và có đầy đủ quyền để thực hiện giao dịch chuyển nhượng đó.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
089 977 99 08 hoặc Hotline 1900 7264
ansglaw@gmail.com
64 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM