Có thể chỉ định người quản lý di sản khi lập di chúc không?

Hỏi: Tôi đã ly hôn với chồng và có một người con gái chung năm nay 12 tuổi. Tôi muốn viết di chúc để lại toàn bộ tài sản riêng của tôi là một căn nhà cho con gái, tuy nhiên trong di chúc tôi muốn chỉ định em gái ruột của tôi là người quản lý di sản trong trường hợp di chúc có hiệu lực khi con gái tôi chưa đủ 18 tuổi có được không?
————–
Trả lời:
Về việc chỉ định người quản lý di sản
Căn cứ quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 về quyền của người lập di chúc thì người đó có những quyền sau đây:
– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Do đó, bạn hoàn toàn có quyền chỉ định người quản lý di sản trong di chúc để quản lý di sản cho đến khi con gái bạn đủ 18 tuổi.

Về người quản lý di sản
Căn cứ khoản 1 Điều 618 Bộ luật dân sự 2018, người quản lý di sản có những quyền sau đây:
– Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
– Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
– Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
Căn cứ khoản 1 Điều 617 Bộ luật dân sự 2018, người quản lý di sản phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
– Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
– Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
– Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

Về việc quản lý tài sản của con
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì
“Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.”
Do đó, tài sản mà bạn để lại cho con gái theo di chúc sẽ là tài sản riêng của con bạn. Việc quản lý tài sản riêng của con được quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Như vậy theo quy định trên, nếu bạn lập di chúc để lại tài sản cho con gái bạn và chỉ định em gái bạn là người quản lý di sản đó thì chồng cũ của bạn sẽ không có quyền quản lý di sản mà con bạn được hưởng.